FIT là gì?
FIT (Fecal Immunochemical Test) là xét nghiệm hóa miễn dịch phân. Bản chất của xét nghiệm này là tìm sự có mặt của máu (hemoglobin) lẫn ở trong phân, đây có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng.
Máu ẩn trong phân là dấu hiệu của tình trạng xuất huyết từ đường tiêu hóa và cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan như: loét dạ dày, viêm loét đại tràng, bệnh viêm ruột, Cronch và đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Theo Globocan, vào năm 2020, ung thư đại trực tràng (CRC) là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên toàn thế giới với >1.900.000 ca mắc mới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong liên quan đến ung thư với > 900.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng (CRC) là loại ung thư phổ biến thứ 5, sau ung thư gan, phổi, vú và dạ dày, với >16.000 ca mắc ung thư mới và >8.000 ca tử vong.
Ung thư đại trực tràng có xu hướng trẻ hóa, tăng dần ở nhóm tuổi từ 20 - 49. Ví dụ ở Hoa Kỳ, trung bình có 14 trường hợp trên 100.000 người ở độ tuổi 20-49 mắc ung thư đại trực tràng. [3] .
85% ung thư đại trực tràng có nguồn gốc từ u tuyến đại trực tràng (CRA), trong đó 80% u tuyến có đột biến APC, tích tụ nhiều đột biến gen và dần dần tiến triển thành ung thư. [1, 2].
Xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT) phát hiện một lượng nhỏ máu trong mẫu phân bằng cách sử dụng kháng thể đặc hiệu với huyết sắc tố người (hemoglobin). Với chỉ kết quả FIT dương tính không thể khẳng định bệnh nhân đó mắc ung thư đại trực tràng. Cần phải kiểm tra thêm bằng phương pháp nội soi hoặc chụp CT đại tràng để khẳng định kết quả [4] .
Ngưỡng cắt FIT fHb ≥10μg Hb/g được khuyến cáo sử dụng trong cơ sở chăm sóc y tế ban đầu để phân loại những bệnh nhân có triệu chứng về đường tiêu hóa dưới nhằm giới thiệu lộ trình chuyển tuyến khẩn cấp để chẩn đoán ung thư đại trực tràng[5]
Bằng chứng cho thấy rằng việc áp dụng xét nghiệm FIT ở cơ sở chăm sóc y tế ban đầu có thể xác định những người có khả năng mắc ung thư đại trực tràng. Những người này sau đó có thể được ưu tiên giới thiệu đến cơ sở chăm sóc thứ cấp, trong khi những người ít có khả năng mắc có thể tránh những thủ tục kiểm tra không cần thiết. Điều này có nghĩa là nguồn lực nội soi được sử dụng cho những người cần nhất[4].
Ai cần phải làm xét nghiệm FIT?
Hướng dẫn từ Viện Y tế và Chăm sóc Sức khỏe Chất lượng (NICE) đối với nghi ngờ ung thư khuyến nghị nên sử dụng FIT ở người lớn:
- có khối u ở bụng, hoặc
- thay đổi thói quen đại tiện, hoặc
- thiếu máu do thiếu sắt, hoặc
- trên 40 tuổi bị giảm cân và đau bụng không rõ nguyên nhân, hoặc
- dưới 50 tuổi bị chảy máu trực tràng và có một trong những triệu chứng không rõ nguyên nhân như: đau bụng, giảm cân, hoặc
- trên 50 tuổi với bất kỳ các triệu chứng sau mà không rõ nguyên nhân: chảy máu trực tràng, đau bụng, giảm cân, hoặc
- trên 60 tuổi thiếu máu không phải do thiếu sắt
Nên thực hiện XN FIT ngay cả khi người đó có kết quả FIT âm tính trước đó. Những người có khối trực tràng, khối hậu môn không rõ nguyên nhân hoặc loét hậu môn không rõ nguyên nhân không cần làm FIT trước khi được xem xét giới thiệu. [4]